Lắng nghe thanh âm toả sáng…
Với một người khiếm thị, thanh âm có thể là thứ khơi gợi những mặc cảm cùng cực, nhưng cũng có thể mang lại sự an ủi lớn lao hay thậm chí dẫn bước đến những khởi đầu tươi sáng của cuộc đời. Điều đó có thể được chiêm nghiệm từ câu chuyện của chị Trần Thị Kim Chuân – giọng ca chính của bài hát “
Ánh sáng từ trái tim”.
Sinh ra với một cơ thể yếu ớt và đôi mắt mất hoàn toàn khả năng thị giác, tất thảy những cảm nhận về cuộc sống vốn mơ hồ với chị gắn liền với những thanh âm và giai điệu. Suốt quãng đời thơ ấu sống trong sự tự ti, có một thứ âm thanh gieo vào lòng chị niềm hy vọng vào tương lai, đó là âm thanh phát ra từ bảng gõ chữ nổi Braille. Chữ nổi Braille, không chỉ mở ra cánh cổng tri thức cho chị, in đậm những cảm nhận của chị về cuộc sống, mà còn là thanh âm kết nối chị với bạn bè đồng trang lứa – điều mà chị luôn khao khát từ thuở bé. Và rồi, như một con chim non háo hức rời tổ, năm 12 tuổi, chị bắt đầu tham gia lớp học hoà nhập với vô vàn niềm hân hoan. Thế nhưng, sự khác biệt trong tài liệu học tập, trong cách thức ghi chép bài học và trong cả lời gắt gỏng, miệt thị của những người xung quanh không lâu sau lại khiến chị thu mình lần nữa. “Mong các thầy cô đổi lớp cho con tôi, kẻo con tôi học chung với các bạn khiếm thị ngày nào cũng gõ lóc cóc, con tôi nghe mà đau hết cả đầu không học được,” hay “Mong các thầy cô đổi chỗ ngồi cho con tôi, kẻo ngồi gần các bạn khiếm thị ngày nào cũng nhờ đọc bài cho các bạn viết mà học lực của con tôi ngày càng sa sút.” Hay ngay cả khi chị có mặt trong phòng thi Đại học, chị vẫn nghe lời rầm rì từ giám thị coi thi: “Khiếm thị mà cũng đi thi nữa à! Học để làm gì? Sau này học ra ai nhận?” Những thương tổn về tinh thần từ thời thơ ấu cứ thế hằn sâu và nối tiếp đến thời niên thiếu rồi tuổi trưởng thành của chị, nhưng trên suốt chặng đường theo đuổi tri thức, chị Kim Chuân chưa một lần bỏ cuộc.
Trên những chặng đường khó khăn ấy, có những thanh âm khác vẫn luôn đồng hành, vỗ về, chấp nhận và khích lệ chị sống với ánh sáng lấp lánh của chính mình – đó là nhưng thanh âm tạo nên âm nhạc. Chị nhận ra, chị không chỉ yêu những thanh âm mà cuộc sống mang lại, chính chị cũng muốn tạo ra những thanh âm tươi đẹp cho cuộc sống của chính mình. Chị yêu những nốt nhạc, lời ca từ nhỏ. Từ lúc đến trường đến nay, chị nhận được hơn 12 giải thưởng trong những cuộc thi âm nhạc. Năm 2012, chị thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Huế. Tuy khó khăn vẫn chưa bao giờ dừng lại ở đó, nhưng vì có âm nhạc dẫn lối, chị cho phép mình tin vào những nhiệm màu. Thời điểm đó, ngoài việc học tập ở giảng đường Đại học, chị còn dành thời gian đọc thêm nhiều sách báo, học hỏi từ cô thầy để tích luỹ thêm kiến thức và kinh nghiệm sống. Với những nỗ lực không ngừng, cùng với tình yêu to lớn dành cho âm nhạc, chị Kim Chuân cuối cùng cũng có thể hái quả ngọt với hai tấm bằng cử nhân loại giỏi chuyên ngành Dân ca Huế (2016) và Thanh nhạc (2019) tại Học viện Âm nhạc Huế. Năm 2020, chị thành lập kênh Youtube Kim Chuân Khiếm Thị để lan toả tình yêu sâu sắc với quê hương qua những giai điệu truyền thống của nhã nhạc cung đình Huế. Không những vậy, với trái tim dào dạt cảm hứng với cuộc đời, chị Chuân còn sáng tác thơ mỗi ngày như một niềm vui thích. Chị cũng chia sẻ trong niềm hân hoan và tự hào rằng hai tập thơ do chị sáng tác về Huế sắp sửa được xuất bản trong thời gian tới.
Dù cuộc đời của chị Kim Chuân là một bản nhạc đầy ắp những nốt thăng trầm, nhưng giờ đây, chị nhận ra rằng chính mình là người quyết định những thanh âm có thể tiếp tục được tạo nên như thế nào.
Chúng tôi thật lòng tin rằng, đó sẽ luôn là những thanh âm toả sáng được viết nên từ một trái tim can đảm, bền bỉ và nhân hậu…
Cùng lắng nghe bài hát “Ánh sáng từ trái tim” do chị Kim Chuân trình bày cùng các phụ nữ khiếm thị khác
tại đây.
—
Bài viết được hoàn thành dựa trên bài phát biểu của chị Kim Chuân trong buổi tập huấn về bình đẳng giới “Vòng tròn bình an” diễn ra vào ngày 27/09/2021.
Bài hát “
Ánh sáng từ trái tim” được sáng tác thuộc khuôn khổ của dự án “
Kể chuyện bằng Âm nhạc: Xây dựng phương thức thúc đẩy bình đẳng giới của nhóm phụ nữ khiếm thị ở Thừa Thiên Huế”, được khởi xướng bởi Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Đồng Kiến tạo Tri thức (CKC), được đồng hành bởi Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực Phụ nữ (CEPEW) thông qua Quỹ sáng kiến đổi mới vì bình đẳng giới (i4Equality), với sự tham gia của 19 phụ nữ khiếm thị thuộc Hội người mù tỉnh Thừa Thiên Huế.
Lan Chi